g thép nước ta có sự tham gia ồ ạt của nhiều thành phần kinh tế. Năm 2007, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thực hiện một cuộc khảo sát, thống kê việc ứng dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp sản xuất thép. Nhóm các nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến của I-ta-li-a, Nhật Bản, công suất mỗi năm từ 250 đến 400 nghìn tấn/nhà máy và chiếm tỷ lệ khá "khiêm tốn", khoảng 25%.
Nhóm trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 55%, bao gồm các nhà máy thép cũ, sử dụng thiết bị Trung Quốc, quy mô sản xuất mỗi năm từ 120 đến 200 nghìn tấn/nhà máy. Còn nhóm lạc hậu chiếm khoảng 20%, là các nhà máy cán quy mô nhỏ, sử dụng thiết bị tự chế tạo, công suất khoảng từ năm nghìn đến 20 nghìn tấn/năm.
Về lâu dài, một thị trường hẹp như nước ta mà có quá nhiều dự án sản xuất thép vào đầu tư sẽ khiến cán cân cung - cầu chênh lệch quá mức, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Do thị trường mở cửa, đòi hỏi sản phẩm thép cần có tính cạnh tranh cao. Với công nghệ sản xuất lạc hậu và trung bình, ngành thép đã gây tác động lớn đến môi trường. Mặt khác chi phí sản xuất lớn, khiến sản phẩm thép trong nước sức cạnh tranh rất yếu, thường xuyên bị thép ngoại 'đe dọa'. Các cơ quan quản lý đã không ngừng khuyến cáo các doanh nghiệp ngành thép tập trung đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Còn đại diện VSA liên tục nhấn mạnh thách thức hội nhập và cảnh báo về sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thép trong thời gian tới nhưng các doanh nghiệp hình như chưa nhìn thấy nguy cơ. Bộ Công thương có quy định và danh mục cấm nhập công nghệ sản xuất thép quy mô nhỏ, lạc hậu từ quý IV-2009 nhưng việc giám sát thực hiện lại quá khó vì việc cấp phép đầu tư do địa phương chủ động. Vì thế, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp nhập thiết bị, công nghệ sản xuất thép quy mô nhỏ, lạc hậu về sử dụng.
Sau hơn ba năm, một cuộc khảo sát tương tự lại được thực hiện, kết quả công bố làm những người quan tâm rầu lòng: Tỷ lệ doanh nghiệp thép sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến chỉ tăng từ 25% lên khoảng 30%. Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ lẻ tại các địa phương vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, thậm chí có doanh nghiệp quy mô sản xuất chỉ khoảng 5 đến 10 tấn/ngày.
Từ ngày 31-12-2010, việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép để bảo vệ ngành thép trong nước chính thức hết hiệu lực. Hết thời hạn này, đương nhiên các doanh nghiệp thép sẽ gặp khó khăn. Bộ Công thương lại ban hành thông tư gia hạn áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép đến hết năm 2011. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành thép cho rằng, đã hơn ba năm hội nhập kinh tế quốc tế mà các doanh nghiệp thép vẫn xin bảo hộ là tín hiệu đáng lo ngại bởi việc tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước sẽ chỉ có giới hạn. Thực tế cho thấy, những chính sách đưa ra chỉ như một giải pháp tình thế, giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho ngành thép trong nước. Hơn nữa, việc tiếp tục bảo hộ sẽ không thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Ðể phát triển bền vững, các doanh nghiệp thép cần chủ động hợp tác, liên kết với nhau, mở rộng quy mô sản xuất để trở thành những thương hiệu mạnh, có thực lực tài chính, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.